Món ngon từ trứng kiến

Khi ánh nắng của tháng 4 và tháng 5 đổ tràn nhành cây, cành lá thì ở mỗi phiên chợ vùng cao trên địa bàn Cao Bằng thường xuất hiện những món ăn dân dã được bà con làm từ trứng kiến. Béo, ngậy, thơm không thể lẫn với hương vị nào khác.

Bánh trứng kiến, món ăn được nhiều người ưa thích. 

Đây là một trong những nét văn hoá ẩm thực đã có từ lâu của đồng bào dân tộc Tày. Trứng kiến được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có thể chữa bệnh. Tuy trong rừng có nhiều loài kiến, nhưng chỉ có một loài trứng của nó có thể ăn được, loài kiến này to gấp ba, bốn lần các loài kiến thường mà ta gặp, chúng có thân màu nâu, riêng bụng có màu đen, làm tổ trên cây vầu, xau xau, găng...

Tổ kiến được kết từ lá khô mục. Tổ bé thì cũng được vài ba chén trứng, tổ to được một bát đầy. Tiết trời ấm áp, cây cối xanh tươi, khi những hạt trứng li ti trong tổ lớn dần bằng hạt gạo là lúc bà con lượm thu mang về. Đầu tiên là việc sàng sảy cho hết lá cây và tạp chất.

Bánh trứng kiến

Một thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, người Tày gọi là bâư nỏa. Khi làm bánh phải chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già.

Bánh trứng kiến, tiếng Tày gọi là pẻng rày, là món ăn độc đáo được làm từ bột gạo nếp, trứng kiến, thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng, lá vả. Bột nếp có thể làm từ bột khô hoặc bột ướt, pha thêm một chút bột tẻ để bánh không nhão hay quá dẻo. Sau khi bột ráo nước, đem trộn nhào với bột canh, mỳ chính. Đặt lá vả vào mẹt tre thưa làm áo bánh, sau đó dát mỏng bột vừa phải, dày cỡ nửa phân. Tiếp đến là cho trứng kiến đã rang phi với hành, thịt lợn băm nhỏ. Trộn đều với vừng rang giã nhỏ. Rải đều trên mặt miếng bột, rồi cho tiếp bột nếp, lá vả thêm lần nữa. ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều, rồi hấp cách thủy cho tới chín. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Khi ăn cũng đừng tìm cách bóc tách lá vả đi, mà lá vả cũng trở thành một thứ hương vị riêng độc đáo. Bánh có hàm lượng đạm cao. Ăn miếng bánh trứng kiến có đủ hương vị của rừng, của vùng cao đất núi.

Xôi trứng kiến

Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp, có thêm mỡ, hành, hạt tiêu, gia vị và trứng kiến. Cách làm món xôi này đơn giản. Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 tiếng, vớt ra để cho gạo ráo nước, rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm vào miệng thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là được.

Hành củ phi thơm trong mỡ già, sau đó cho trứng kiến đã làm sạch vào xào cùng, nếm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến có vị béo của mỡ, hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món này.

Không chỉ có bánh trứng kiến và xôi trứng kiến, để thưởng thức đầy đủ hơn, người Cao Bằng còn có cả cháo trứng kiến cùng với những ly rượu được ngâm từ những hạt trứng li ti mà ngon thơm đến lạ.

 

Nguồn tin: Báo Cao Bằng