Mùa vàng ở xã Thành Công. |
Phja Oắc- Phja Đén là dãy núi có địa hình phức tạp, núi đất xen với hệ thống núi đá, độ dốc lớn hơn 380, nhiều nơi dốc thẳng đứng, địa hình chủ yếu là núi cao, thung lũng nhỏ hẹp. Rừng phân bổ ở độ cao từ 700 m trở lên. Trong đó, đỉnh Phja Oắc cao 1.935 m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao thứ hai ở Cao Bằng.
Theo kết quả nghiên cứu, kết hợp với tham khảo tài liệu liên quan của các nhà khoa học nghiên cứu về Phja Oắc- Phja Đén cho thấy, đây là một khu rừng còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, bởi các hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi cao, rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, cấu trúc 4 tầng với độ che phủ lớn. Đặc biệt có một số hệ sinh thái đặc trưng cho vùng núi cao như: hệ sinh thái rừng lùn, rừng rêu. Trong thảm cỏ có hàng nghìn loài thực vật, trong đó có một số loài cây có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như: cây Gù hương hay còn gọi là re hương; lát hoa, sến mật, nghiến, dẻ tùng, cùng với nhiều cây thuốc quý, quần thể phong lan đa dạng, cây cho quả, như: trám trắng, trám đen, bứa, dọc, dâu da, vải, nhãn rừng, sung, vả, me... với các thảm xanh bốn mùa tươi tốt, là nơi tạo điều kiện sinh tồn cho khu hệ động vật hoang dã. Bước đầu các nhà khoa học đã thống kê gần 80 loài động vật có vú, hàng trăm loài chim, bò sát và lưỡng cư, hàng vạn các loại côn trùng (cánh cứng, bướm, chuồn chuồn) cùng các loại thủy sinh vật trong các khe, suối.
Với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ mát, hưởng thụ các tài nguyên khí hậu và tài nguyên sinh vật độc đáo. Ngày nay đến đây, chúng ta vẫn còn bắt gặp những dấu tích của các khu biệt thự cổ xây bằng đá tảng và bê tông bề thế, vững chắc ẩn hiện trong khu rừng thông cổ thụ đầy mộng mơ. Điển hình là nhà Đỏ (Tatsloom) tại khu vực Phj Đén.
Vùng Phja Oắc, Phja Đén có nhiều loài thực vật và hệ sinh thái đặc thù. |
Với lợi thế về địa hình, khí hậu, điều kiện nhổ nhưỡng, tiềm năng Phja Oắc- Phja Đén đang được từng bước khai thác, mang lại nguồn kinh tế dồi dào cho địa phương, đồng thời mở ra điểm du lịch sinh thái mới hấp dẫn. Đến nay, một số dự án đã và đang được thực hiện như: Trồng chè chất lượng cao của Công ty TNHH Xây dựng Miền Tây; Dự án nuôi cá hồi Phja oắc, Tài Soỏng; dự án định cư Bành Tổng – Phiêng Phát, xã Thành Công; khu liên hợp chế biến nông, lâm sản và nghỉ dưỡng tại ngã ba Quang Thành của Hợp tác xã Sơn Đông; Trạm phát sóng FM của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đường ô tô lên đỉnh núi… Vùng núi này cũng mang lại cho nhân dân nơi đây nhiều sản vật ngon nổi tiếng như nấm hương, trám đen, thịt lợn đen, hà thủ ô, tam thất, cỏ kim tuyến, sa nhân, mộc nhĩ, gà đen, lợn rừng, nai, gà lôi, cầy hương…
Khu vực Phja Oắc – Phja Đén được huyện Nguyên Bình xác định là vùng kinh tế quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, là khu vực quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. UBND tỉnh Cao Bằng đó có Quyết định số 2326/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Phja Oắc - Phja Đén với phạm vi lập quy hoạch toàn bộ khu vực diện tích khoảng 24.100 ha. Theo định hướng đồ án xây dựng Phja Oắc - Phja Đén trở thành vùng du lịch có 3 phân vùng, gồm: Vùng phía Bắc với thị trấn Tĩnh Túc và xã Quang Thành là vùng phát triển đô thị dịch vụ, thương mại, du lịch. Phát triển công nghiệp gắn với chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản và ngành tiểu thủ công nghiệp gắn với các loại cây trồng đặc trưng như sản phẩm từ tre trúc, miến dong; Vùng phía Nam tại xã Thành Công là là trung tâm điều hành chung cho vùng Phja Oắc - Phja Đén, phát triển đô thị dịch vụ cho du lịch, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, nghiên cứu, nghỉ dưỡng; Vùng phía Tây xó Phan Thanh là vùng bảo vệ, phát huy giá trị về nông, lâm nghiệp, sản xuất các sản phẩm từ nông, lâm nghiệp, chăn nuôi tập trung, hỗ trợ chức năng du lịch dịch vụ, khai thác và chế biến khoáng sản. Quy hoạch xây dựng vùng Phja Oắc - Phja Đén thành khu du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng với các công trình tôn giáo tín ngưỡng, như: Miếu Vọng Tiên Cung, Nhà đỏ, đỉnh Phja Oắc, khu Tài Soỏng, khu nuôi cá hồi, khu rừng trúc, khu trồng chè, khu trồng cây thuốc; hình thành các tuyến du lịch liên vùng như hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - Phja Oắc, Phja Đén - Rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình) - Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) - Thác Bản Giốc (Trùng Khánh).
Với tiềm năng thế mạnh của mình, Phja Oắc - Phja Đén không những là nơi phát triển kinh tế mạnh mà sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn được du khách bốn phương ưu thích khám phá tìm hiểu.